Hiện nay lương giáo viên rất thấp so với mặt bằng đời sống, nếu tăng lương chỉ được vài chục, đến trăm nghìn/tháng thì chỉ có tính động viên, không giải quyết được căn cơ bất cập trong cách tính lương giáo viên hiện nay.
Lương giáo viên khi nào đủ sống?
Câu chuyện tăng lương cho giáo viên một lần nữa được dư luận quan tâm sau khi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần làm việc với Bộ Nội vụ và trong phạm vi điều kiện có thể, hai bên đã thống nhất theo hướng tăng phụ cấp ưu đãi cho bậc mầm non lên 10%, bậc tiểu học là 5%. Hiện phương án đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong các đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án trên.
Đây không phải lần đầu Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đứng ra đề xuất quan tâm tăng lương tới giáo viên. Trước đó, tư lệnh ngành giáo dục đã nhiều lần đề nghị Bộ Nội vụ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình cải cách tiền lương cần xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…
Đề nghị quan tâm tới tính đặc thù của công chức, viên chức ngành giáo dục trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức và tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức ngành giáo dục nói chung, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục nói riêng; bảo đảm đủ biên chế cho các địa phương đang thiếu giáo viên. Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên.
Việc lãnh đạo ngành giáo dục quan tâm, đề xuất và có nhiều cố gắng để cải cách tiền lương cho giáo viên. Tuy nhiên, mọi đề xuất hiện nay đa số còn nằm trên giấy. Có một thực tế đã gần 4 năm (01/7/2019 đến nay) lương giáo viên đứng yên, không được điều chỉnh. Cũng trong 4 năm qua, thầy cô nỗ lực thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện với bao áp lực. Việc chậm đổi mới lương giáo viên trong khi giá cả thị trường tăng cao khiến cho phần lớn giáo viên đã và đang đối mặt với bài toán kiếm đâu ra tiền để chi tiêu cho gia đình.
Theo cách tính lương giáo viên hiện nay, 5 năm đầu không có phụ cấp thâm niên nhà giáo nên một giáo viên có trình độ đại học, đi dạy ở một trường phổ thông công lập, khi đang hưởng lương bậc 1, bậc 2 sẽ có mức lương dao động mỗi tháng khoảng 3,5- 4 triệu đồng. Bởi lẽ, lương bậc 1 sẽ có hệ số lương 2,34; lương bậc 2 có hệ số 2,67 của lương cơ sở là 1.490.000 đồng, nhân với 30-35% phụ cấp đứng lớp (tùy vào cấp học) nhưng sẽ bị trừ bắt buộc khoảng trên 13-15% cho các loại bảo hiểm và các loại quỹ, phí khác. Nếu không vi phạm, không bị kỷ luật thì 3 năm sẽ được tăng 1 bậc lương, tương ứng hệ số 0,33- khoảng 500 ngàn đồng cho 1 lần tăng lương. Với mức lương như vậy, đời sống nhà giáo hết sức khó khăn.
Xã hội đang nợ giáo viên quá nhiều
Việc lương thấp, áp lực công việc nhiều, đời sống của nhà giáo rất khó khăn vì thế nảy sinh ra nhiều hệ lụy xấu. Đặc biệt tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, chán việc. Trong năm 2022, số lượng 16 nghìn giáo viên bỏ việc là con số báo động, nó thể hiện rõ được sự bất hợp lý trong cách tính lượng hiện nay đối với nghề giáo.
Bà Nguyễn Thị Huệ ở Nam Từ Liêm chua xót chia sẻ: “Tôi có hai người con gái được đầu tư cho ăn học sư phạm, về dạy bậc THPT. Nhưng rồi các cháu đều bỏ việc hết. Lương thấp hơn cả lương công nhân thì nhà giáo sống bằng gì để theo nghề”. Cô Đào Thị Uyên ở Nghệ An chia sẻ: “Nếu ngày trước đi xuất khẩu lao động dễ như bây giờ thì chắc bỏ nghề giáo từ lâu rồi. Làm mãi lương không đủ sống, sang Nhật Bản làm nông nghiệp 3 năm cũng đủ để xây được căn nhà trú nắng, trú mưa”. Thầy Nguyễn Văn Xuân – Hiệu trưởng trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) từng chia sẻ, đời sống của nhiều giáo viên cực kỳ khó khăn, sở dĩ thầy cô có thể gắn bó được với nghề giáo bởi phải bươn chải nhiều công việc khác nhau. Đơn cử như giáo viên trong trường THCS Hạ Bằng, ngoài giờ lên lớp, có thầy cô đi bán bảo hiểm, bán hàng online trên mạng. Thầy giáo dạy Tin về nhà bán máy tính, thầy dạy Vật lý đi lắp điện nước, sửa điện, đổ mực máy in, có cô bán tạp hóa…
Xung quanh câu chuyện tăng lương cho giáo viên, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, cả xã hội cần nhận thức đúng về vai trò của nhà giáo. Thực tế, xã hội đang nợ giáo viên bởi những đóng góp, cố gắng của họ hàng ngày. Đồng lương họ nhận được không tương xứng với những gì họ cống hiến. Chính vì thế, vấn đề tăng lương cho giáo viên cần thiết phải nhìn nhận toàn diện khách quan, tính đúng, tính đủ công sức của giáo viên.
“Cần tính đúng tính đủ công sức của nhà giáo bỏ ra. Giáo viên đã hy sinh rất nhiều. Cả xã hội đã nợ nhà giáo rất nhiều. Việc đề xuất tăng lương cho nhà giáo là đúng nhưng tăng được vài trăm nghìn thì chả giải quyết được việc gì. Tăng lương cho giáo viên cần phải được tính toán khoa học trên công sức và đóng góp của giáo viên” – thầy Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Bàn về lương giáo viên, ông Đặng Tự Ân – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng, hiện lương thấp không đủ sống, chưa tạo được động lực thu hút giáo viên dạy giỏi. Lương bình quân hằng tháng của giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học (năm 2020) là 7,05 triệu đồng. Tại những khu công nghiệp có sự chênh lệch lương quá lớn giữa giáo viên và công nhân lao động. Lương giáo viên mầm non mới ra trường chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi lương một công nhân làm việc cùng khu lại được 7-8 triệu đồng. Cùng địa bàn, cùng phải chi phí sinh hoạt như nhau, nhưng giáo viên có thu nhập thấp chỉ bằng một nửa ngành nghề lao động khác.
Những giáo viên giỏi, có trình độ đào tạo đặc thù như tin học, ngoại ngữ cũng vì lương thấp mà xin chuyển sang khối trường tư thục hoặc nghề khác có lương cao gấp 3-4 lần mức lương giáo viên đang hưởng. Qua trao đổi có thể thấy, mức lương giáo viên là quá thấp để họ yên tâm công tác. Cần tính đúng, tính đủ lương giáo viên so với công sức họ đóng góp. Việc tăng lương, tăng phụ cấp cần dựa trên cơ sở khoa học những gì giáo viên đã làm, tránh việc tăng chỉ được một vài trăm nghìn không giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Nguồn: Công Luận.vn