Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Hội đồng Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần tổ chức một hội nghị quốc gia để đánh giá việc thực hiện cam kết phát triển bền vững, làm rõ những tồn tại, trách nhiệm và giải pháp.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã điểm lại các kết quả hoạt động của Hội đồng Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thời gian qua cũng như những điểm còn bất cập, hạn chế trong công tác tổ chức tham mưu và tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các ý kiến thống nhất trong thời gian tới, hoạt động của Hội đồng cần tập trung vào các trụ cột của phát triển bền vững: Kinh tế – Xã hội – Môi trường như cam kết của Việt Nam tại Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm, từng giai đoạn, gắn với nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước của từng bộ, ngành.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Thường trực Hội đồng, các Ủy ban chuyên môn tổ chức họp, báo cáo kết quả hoạt động trong thời gian qua, nhất là các đề xuất, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển bền vững trong lĩnh vực được phân công.
“Hội đồng cần tổ chức một hội nghị quốc gia để đánh giá việc thực hiện cam kết phát triển bền vững, làm rõ những tồn tại, trách nhiệm và giải pháp. Từ đó, xác định một số định hướng hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực phát triển bền vững như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…”, Phó Thủ tướng gợi mở và yêu cầu các Ủy ban trực thuộc Hội đồng, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình, việc quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động của Hội đồng từ năm 2018 đến nay.
Cùng với đó, kiến nghị phương án kiện toàn Hội đồng phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết của Việt Nam về phát triển bền vững với 3 trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường.
Hội đồng phải có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, tổ chức đoàn thể là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện địa phương, doanh nghiệp… theo từng lĩnh vực cụ thể để cả toàn xã hội có tiếng nói, đóng góp cho vấn đề lớn này.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh từng Ủy ban, từng thành viên Hội đồng phải rõ trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể.
Nguồn: Công Luận.vn