Tái hiện không gian Tết Trung thu xưa ở Phố cổ Hà Nội.

Sáng 22/9, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc không gian trưng bày với chủ đề “Trở về Trung thu xưa”.

Không gian trưng bày chủ đề “Trở về Trung thu xưa” tổ chức nhằm mục đích bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đem đến cho trẻ em một không gian vui chơi bổ ích nhân dịp tết Trung thu, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Gần 80 tài liệu, tư liệu, hình ảnh được trưng bày và sử dụng trong không gian trưng bày này sẽ đưa công chúng ngược thời gian để tìm hiểu những nghi  lễ tết Trung thu chốn Hoàng cung xưa cũng như trở về với không khí rộn ràng tiếng trống, với rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ của tết Trung thu trên phố phường Hà Nội xưa như mô tả của người Pháp những năm 1900: các gian hàng rực rỡ của phố Hàng Gai với các tượng sư, kiệu nhỏ làm bằng giấy mầu, các chùm bóng bay hình con vật,…tạo nên một bức tranh tuyệt hảo, đầy màu sắc nghệ thuật.

Bà Trần Thị Thúy Lan, phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phát biểu tại lễ khai mạc không gian trưng bày “Trở về Trung thu xưa”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trần Thị Thúy Lan, phó Trưởng ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cho biết: “Các hoạt động Tết Trung thu năm nay nhằm đem tới cho các cháu thiếu nhi một sân chơi ý nghĩa, bổ ích, thú vị; để các cháu hiểu biết thêm về nét văn hóa truyền thống xưa. Đây cũng là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, các thợ thủ công, những người đã hết lòng với nghề truyền thống của gia đình, của làng nghề…”.

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội mong muốn tuyên truyền đến cả cộng đồng biết hơn về các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm kêu gọi mọi người cùng chung tay giữ gìn, duy trì các giá trị ấy. Đồng thời, các hoạt động lễ hội Trung thu cũng góp phần quảng bá giá trị di sản quận Hoàn Kiếm nói riêng, TP Hà Nội nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.

Tại lễ khai mạc, nghệ nhân con giống một Đặng Văn Hậu cho biết, lễ hội Trung thu là một dịp tốt nhất để các nghệ nhân Việt Nam giữ gìn và phát triển nghề truyền thống cũng như quảng bá nét đẹp mà cha ông đã để lại cho chúng ta. Do đó, mỗi người nghệ nhân cần không ngừng phát huy, gìn giữ nghề thủ công truyền thống của người Việt Nam chúng ta.

Nhiều hoạt động diễn ra tại lễ khai mạc không gian trưng bày “Trở về Trung thu xưa”.

Ngoài ra trong Ngôi nhà Di sản, số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm sẽ tái hiện không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu xưa, giới thiệu tục phá cỗ, trông trăng, hướng dẫn làm bánh Trung thu… Tại Đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào cũng tổ chức sắp đặt không gian Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay. Tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, số 22 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm sẽ có biểu diễn Rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào 20h ngày 28/9.

Nhiều hoạt động trải nghiệm, giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cũng đồng thời được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội duy trì phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận Hà Nội tổ chức tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 Đào Duy Từ như: Trải nghiệm làm con giống bột với “Lớp học Tò he” cũng nghệ nhân Đặng Văn Hậu, đến từ làng Xuân La, Phú Xuyên, Hà Nội; làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, đến từ xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội; các không gian trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi trung thu truyền thống: mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn.

Không gian bích họa phố Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ có trưng bày, trình diễn giới thiệu các sản phẩm đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu, hướng dẫn các trò chơi dân gian, trình diễn thời trang trẻ em, biểu diễn âm nhạc thiếu nhi.

Chương trình hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống 2023 sẽ diễn ra từ ngày 22/9 – 29/9/2023 (tức ngày 08/8 – 15/8 Âm lịch).

Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng Tết Trung thu đã trở thành một trong những tết truyền thống lớn nhất trong năm, được các vùng miền tổ chức với những bản sắc, phong tục riêng và diễn ra vào giữa mùa thu, ngày rằm tháng Tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm. Tết Trung thu có nguồn gốc từ một nghi lễ nông nghiệp. Thời xa xưa, người nông dân thường ngắm trăng, tiên đoán thời tiết, dự đoán mùa màng “Muốn ăn lúa tháng Năm, trông trăng rằm tháng Tám”.

Tết Trung thu diễn ra vào ngày Rằm tháng Tám hàng năm nên còn gọi là tết trông trăng. Từ thời Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước… Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem. Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau.

Nguồn: Công Luận.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *