Không gian Tết Trung thu xưa tại di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long, quận Ba Đình, Hà Nội là nơi trải nghiệm thú vị cho các em nhỏ với những đồ chơi dân gian quen thuộc, giúp các em nhỏ và du khách có thể tìm hiểu về nét đẹp văn hóa dân gian của người Việt.
Chương trình “Đèn thu lung linh” đã tái hiện lại một không gian Tết Trung thu xưa của người Việt Nam, với những món đồ chơi dân gian truyền thống khá quen thuộc, giúp các em nhỏ và du khách có cơ hội tìm hiểu về nét sinh hoạt cũng như văn hóa đặc sắc của người Việt.
Khám phá không gian Tết Trung thu xưa tại Hoàng thành Thăng Long, các em nhỏ và du khách sẽ được tham gia các hoạt động như tham quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền, các đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, trống cơm, tò he, tiến sĩ giấy… dưới hình thức là các gian hàng trên trên phố cổ xưa.
Theo ghi nhận, gần như toàn bộ không gian trưng bày của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội được trang trí thành một khu phố Trung thu xưa cũ của người Hà Nội với những đồ chơi quen thuộc với trẻ em Thủ đô những năm thập niên 90 của thế kỉ XX.
Hình ảnh những ngôi nhà trong phố cổ Hà Nội được tái hiện rõ nét bên trong không gian trưng bày của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.
Gian hàng trưng bày đồ Trung thu truyền thống của người Việt Nam với nhiều món đồ chơi dân gian như trống cơm, tò he, tiến sĩ giấy…
Tàu thủy sắt – món đồ chơi tưởng chừng bị quên lãng được trưng bày tại gian hàng Trung thu tại di tích Hoàng thành Thăng Long.
Mặt nạ giấy bồi là món đồ chơi dân gian mà trẻ em người Việt rất thích thú vào mỗi dịp Tết trung thu.
Mâm ngũ quả trong dịp Tết trung thu.
Đặc biệt, tiến sĩ giấy là một đồ chơi Trung thu quen thuộc nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho trẻ nhỏ.
Dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như Henri Oger, Albert Kant; bảo tàng Quai Branly (Pháp), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh),… phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền.
Những mẫu đồ chơi này vốn đã bị thất truyền nhưng được phục dựng lại từ năm 2009, các mẫu đèn Trung thu cổ xưa được làm từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán. Nổi bật nhất là đèn cá chép hóa rồng, đèn cá chép trông trăng, đèn quả đào, quả lựu, đèn trống…
Mẫu đèn Trung thu “cá chép trông trăng” được làm từ nguyên liệu nan tre và giấy bóng kính với màu đỏ chủ đạo.
Cận cảnh mẫu đèn Trung thu “Cá chép trông trăng”.
Không gian Tết trung thu tại di tích Hoàng thành Thăng Long làm cho những người đến tham quan được trở về tuổi thơ của chính mình.
Du khách check in bên trong không gian Trung thu xưa tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội.
Chương trình “Đèn thu lung linh” là một hoạt động ý nghĩa, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chương trình đã tái hiện một không gian Trung thu xưa cũ, với những chiếc đèn thu lung linh, giúp các em nhỏ và du khách có thể tìm hiểu về một nét đẹp văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Nguồn: Công Luận.vn