Sự ra đời của DOJI Land đã đánh dấu bước tiến quan trọng của DOJI trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại chỉ mang về những khoản lãi mỏng, chưa tương xứng với số tiền DOJI bỏ ra đầu tư.
DOJI bán vàng lãi nghìn tỷ, nhưng nợ phải trả vẫn tăng gần gấp đôi vốn chủ sở hữu
CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (DOJI) đã công bố thông tin định kỳ về tài chính năm 2022 với lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 1.017 tỷ đồng, tăng 334% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hữu đạt 17,39% cao hơn đáng kể so với con số 5,02% thời điểm đầu năm.
Trong năm 2022, DOJI bán vàng lãi nghìn tỷ, nhưng nợ phải trả đã lên đến hơn 12.400 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.
Những năm gần đây, quy mô của DOJI không ngừng mở rộng với tổng tài sản vào cuối năm 2022 lên đến gần 18.800 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm và gấp hơn 2 lần so với thời điểm cuối 2020.
Thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của DOJI đạt 6.361 tỷ đồng, tăng hơn nghìn tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Những năm qua, vốn chủ sở hữu của DOJI liên tục tăng qua từng năm nhờ hoạt động tăng vốn điều lệ và tích luỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn chủ sở hữu vẫn còn thua xa tốc độ tăng nợ phải trả. Đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của DOJI lên đến hơn 12.400 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm và gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Con số này thời điểm cuối năm ngoái là 1,86 lần.
Đáng chú ý, cơ cấu nợ của DOJI không nằm ở trái phiếu. Dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này tại thời điểm cuối năm 2022 đã giảm mạnh từ mức gần 3.900 tỷ đồng đầu năm xuống còn 636 tỷ đồng.
DOJI tiền thân là Công ty phát triển công nghệ và thương mại TTD, do ông Đỗ Minh Phú (SN 1953) thành lập năm 1994. Doanh nghiệp này chính là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.
Cái tên DOJI gắn với công ty từ năm 2007 sau khi ông Phú cho xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý, DOJI Plaza tại Hà Nội. Trong hai năm 2007 và 2008, đổi tên DOJI, tái cấu trúc và phân chia làm 6 công ty thành viên, thâu tóm những công ty như SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng, Công ty CP Đá quý và vàng Yên Bái. Vị doanh nhân này cho biết: “Chiến lược lâu dài của DOJI không phải là kinh doanh vàng miếng, mà là phát triển kinh doanh hàng trang sức”
DOJI đổ tiền vào buôn bất động sản, nhưng chỉ mang về lãi mỏng
Từ năm 2009, DOJI bắt đầu lấn sân sang mảng bất động sản và sau đó là cả lĩnh vực tài chính ngân hàng. Sự ra đời của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land năm 2014 đã đánh dấu bước tiến quan trọng của tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản.
Đến nay, DOJI Land đã và đang phát triển hàng loạt các dự án lớn từ Bắc vào Nam như Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Khu dịch vụ hỗn hợp thuộc khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan, The Sapphire Residence, Best Western Premier Sapphire Ha Long, The Sapphire Mansions, tòa nhà Ruby Tower tại TP HCM; tòa nhà Ruby Plaza; tòa Trung tâm thương mại và dịch vụ tổng hợp số 5 Lê Duẩn – DOJI Tower tại Hà Nội…
DOJI Land có quy mô không quá lớn nếu so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2021 của doanh nghiệp này đạt hơn 4.300 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm.
Nguồn tài trợ cho phần lớn tài sản của doanh nghiệp đến từ nợ phải trả tuy nhiên hệ số nợ (nợ phải trả/tổng tài sản) đã giảm đáng kể từ mức 80% hồi đầu năm xuống còn 60%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của DOJI Land đã tăng mạnh lên hơn 1.700 tỷ đồng vào cuối năm 2021, gấp gần 3 lần đầu năm.
Cùng với quá trình mở rộng quy mô, doanh thu năm 2021 của DOJI Land cũng tăng đột biến lên hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lãi khá mỏng chỉ hơn trăm tỷ, tương ứng biên lợi nhuận ròng khoảng 5%. Mức lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với mảng kinh doanh vàng, bạc, đá quý và cũng chưa tương xứng với số vốn nghìn tỷ mà DOJI rót vào lĩnh vực bất động sản.
Điều đáng nói, năm 2021 cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp bất động sản “vớ bẫm” nhờ cơn sốt đất diễn ra trên diện rộng. Tuy nhiên, thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 đã bắt đầu trầm lắng và vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên nào thực sự rõ rệt. Không ít nhà phát triển bất động sản lao đao sau biến cố trên thị trường trái phiếu. Nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí không thể triển khai do thiếu vốn hoặc vướng các vấn đề pháp lý. Trong bối cảnh đó, DOJI Land có lẽ cũng khó tránh khỏi những khó khăn.
Nguồn: Công Luận.vn