Xem xét tuyển mới các nhân sự xuất sắc để phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan cần bố trí đủ biên chế với cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả đam mê, xem xét tuyển mới các nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2023. Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 3 nội dung gồm: Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông thực hiện hoạt động quảng cáo

Về đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc sửa đổi Luật nêu trên là cần thiết, nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh các nguyên tắc, yêu cầu chung trong xây dựng dự án luật, Thủ tướng đề nghị cần thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; tiếp tục tổng kết Luật và các quy định có liên quan về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; kế thừa những quy định đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các quy định để xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Đồng thời, rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, như: Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Đầu tư và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành có liên quan…; bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các Bộ: Công an, Tư pháp, VHTT&DL đã tích cực chuẩn bị, trình các đề nghị xây dựng luật, báo cáo; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở.

Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo do Bộ VHTT&DL chủ trì, Thủ tướng yêu cầu cần thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về lĩnh vực quảng cáo gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp về quảng cáo, văn hóa và dịch vụ văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Cùng với đó, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ đối với việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng việc thi hành Luật Quảng cáo năm 2012; hồ sơ đề nghị xây dựng luật phải thống kê làm rõ các quy định sẽ bãi bỏ, các quy định giữ nguyên hoặc có sửa đổi, bổ sung; thuyết minh rõ lý do kế thừa, lý do sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc cần ban hành mới.

Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và công tác phối hợp của các cơ quan liên quan; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa trong quản lý nhà nước về quảng cáo; đẩy mạnh cải cách và cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; hết sức chú ý việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông thực hiện hoạt động quảng cáo; đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng pháp luật

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua. Về nội dung này, Thủ tướng giao VPCP chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó cần đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành; đề cao vai trò của các Phó Thủ tướng, nhất là trong việc xử lý những vấn đề còn vướng mắc, chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan…

Đặc biệt, đối với các dự thảo nghị định chưa được các bộ trình Chính phủ, các bộ khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ trước ngày 5/10/2023. Cùng với đó, đối với 3 thông tư quy định chi tiết chưa được ban hành theo thẩm quyền, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chỉ đạo hoàn thiện và ban hành trước ngày 5/10/2023.

Kết luận chung, nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế với việc giải phóng, huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, Thủ tướng lưu ý một số yêu cầu: Phản ứng chính sách, ban hành văn bản kịp thời, nâng cao chất lượng các quy định; phân cấp phân quyền nhiều hơn nữa, cá thể hóa trách nhiệm; đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc trực tiếp; chống tiêu cực, tham nhũng, “cài cắm” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, cục bộ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp.

Thủ tướng yêu cầu bộ, cơ quan nào chưa giao bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì trong tháng 9 phải phân công lại và báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, cần bố trí đủ biên chế với cán bộ đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, trách nhiệm và cả đam mê, xem xét tuyển mới các nhân sự xuất sắc cho đơn vị phụ trách công tác xây dựng pháp luật.

Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách, chế độ phù hợp, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.

Quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần tích cực tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các cơ quan của Quốc hội; chú ý lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của các đối tượng tác động, các nhà khoa học, các nhà quản lý có kinh nghiệm, các nhà hoạt động thực tiễn…

PV

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *